Saturday, 18 December 2010

Chuyện về tỷ phú cây cảnh Thành Sơn

Chuyện về tỷ phú cây cảnh Thành Sơn
Xem hình
 
Con người tạo dựng và chơi cây cảnh cũng là tạo dựng cuộc đời, tâm hồn, trí tuệ, ước muốn của mình. Vì vậy, cây cảnh là mảnh tâm hồn của ta, làm cho ta hướng về cái đẹp, cái thiện, sống đẹp đẽ và tốt lành hơn.
Đó là những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, có nhựa sống của thiên nhiên và con người, làm cho con người hoà nhập với thiên nhiên vĩnh hằng và kỳ thú.

Không chỉ có vậy, nghề trồng, chơi cây cảnh hiện nay còn là một hướng làm kinh tế “siêu lợi nhuận” được nhiều người tìm đến. Xuất phát từ những mong muốn trồng cây cảnh để cho con người trẻ, thư thái hơn, được sáng tạo và có thu nhập mà anh Nguyễn Ngọc Mạnh ở phường Ngô Quyền (Sơn Tây) đã từ bỏ nghề buôn bán mật o­ng, “bước chân” vào nghề trồng cây cảnh đầy mới mẻ này. 

Gặp anh tại Hội trưng bày sinh vật cảnh thành phố Sơn Tây vào một ngày mưa xuân đầu năm, thời tiết trở nên khắc nghiệt khi mà cả tháng lúc nào cũng trong tình trạng rét đậm, rét hại. Với nước da trắng, đôi mắt sáng, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát và sôi nổi, anh Mạnh như hội tụ được những tinh hoa của Thành cổ, giúp anh biết giá trị của từng cây cảnh. Sau một hồi trò chuyện, anh Mạnh bắt đầu kể về những năm tháng mưu sinh và “bén duyên” với cái nghề khiến anh nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc như hiện nay.

Anh Mạnh tâm sự: Trước khi đến với nghề cây cảnh, anh đã đi khắp Bắc Nam để thu mua mật o­ng. Sau một thời gian trải nghiệm cuộc sống, thấy nhiều người làm nghề trồng cây cảnh chỉ bỏ ra chút công sức, và với bàn tay tài hoa, con mắt nghệ thuật, qua vài năm mỗi cây đã cho thu lãi hàng vài chục hoặc vài trăm triệu đồng, bằng cả mấy năm đi buôn bán mật o­ng. Từ đó, anh quyết định “dấn thân” vào nghề và thật may mắn vì đã thu lãi tới vài triệu đồng từ một gốc cây si. Từ đó, nghề trồng, chơi cây cảnh đã ăn sâu vào còn người anh, nhiều khi những quyết định mua cây khiến gia đình, hàng xóm tưởng anh bị “dở hơi”. Ba năm trước, trong khi kinh tế gia đình chẳng khấm khá gì, thay vào việc xây dựng lại hoặc sửa sang ngôi nhà cấp 4 chật hẹp mà cả gia đình đang sinh sống thì anh bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua một cây sanh về trồng.

Rồi anh say sưa giảng giải về nghệ thuật chơi cây cảnh. Nào là: Do địa hình, vị trí mà cây có dáng vẻ, thế đứng khác nhau. Mọc ở vách đá, cây có dáng thác đổ hay truy phong; mọc ven suối, có gió đông nam thổi, cây đâm ngang có dáng thác đổ; mọc ở khoảng rộng, dáng thẳng gọi là thế trực…Căn cứ vào đó, người ta chia cây cảnh thành 5 thế chính: Thế trực, hơi nghiêng, nghiêng, bán thác đổ (thế huyền) và thác đổ. 

Để có đất “dụng võ”, năm 2006 anh thuê hơn 7.000m2 đất ở phường Phú Thịnh để tạo dáng, sắp đặt, bố trí và trồng cây cảnh. Đến thăm vườn cây của anh, chúng tôi như lạc vào mê cung của hàng ngàn cây cảnh, mỗi cây một dáng, một thế, phong phú, đa dạng. Trên nền một bãi đất hoang làm lò gạch trước đây, anh Mạnh đã tiến hành cải tạo thành một vườn cây cảnh có giá trị cao. Đây là vườn cây cảnh mà anh để tâm chăm sóc, gây dựng suốt hơn một năm qua. Chỉ vào một cây cảnh với dáng, thế rất đẹp, anh nói: Đây là cây tường vi mà tôi mua ở Sơn Tây với giá 30 triệu đồng, sau 2 năm đưa về tạo dáng, cắt tỉa, uốn, phối với một vài viên đá, chuyển chậu, giá trị của nó đã tăng gấp nhiều lần. Nhiều người ở các địa phương khác đến chơi đã trả hàng trăm ngàn đôla nhưng tôi không bán.

Anh Mạnh chưa bán không phải vì nó chưa được giá mà cái chính là anh chưa tuyển chọn, sưu tầm được một cây nào đẹp, quý hơn như thế. Vả lại, bán đi một cây cảnh mình dày công tạo dựng, chẳng khác nào đánh mất niềm đam mê, nên thấy trống vắng thế nào ấy…Hiện nay, cây tường vi của gia đình anh được giới chơi cây cảnh trong Nam, ngoài Bắc đặt cho cái tên “Việt Nam đệ nhất tường”. Anh cũng cho biết thêm: Ngoài cây tường vi có trị giá hàng tỷ đồng thì trong vườn của gia đình anh còn có khoảng 20 cây có giá trị hàng vài trăm triệu đồng.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, anh Mạnh rất tự hào với nghề trồng, chơi cây cảnh của người dân xứ Đoài. Bên cạnh việc học hỏi, tiếp thu những nét tinh tế của giới chơi cây cảnh Hà Nội thì người chơi cây ở Thành Sơn lại mang một cái hồn riêng. Cây cảnh ở đây không mãnh liệt, dữ dội mà nhẹ nhàng, êm dịu, phảng phất nét tinh khôi, chân phương, tao nhã của con người Thành Sơn. 

Đam mê, gắn bó với nghề cây cảnh, anh Mạnh tự nhận mình chẳng mất cái gì mà lại được quá ư nhiều thứ. Nó không còn là một thú chơi thanh tao nữa mà trở thành một cách làm kinh tế kiếm ra bạc tỷ. Từ đó khẳng định việc phát triển kinh tế dựa trên nền nghệ thuật đã không còn xa lạ với người nông dân. Và thú chơi vốn chỉ dành cho những người phú quý, phong lưu, bỗng chốc trở thành một nghề “kiếm tiền như lá” đối với một anh nông dân, để xóa tan mọi ý kiến nghi ngờ về khả năng thành công khi anh mới chập chững bước chân vào nghề cách đây hơn 10 năm.
(Theo Vietnamgateway.org)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts