Wednesday, 16 November 2011

Hành trình tìm 'mai vàng' tiền tỷ của đại gia

Viết bởi/Nguồn: vietnamnet.vn | Số truy cập: 5627

Trong suốt 17 năm trời, người nghệ nhân mê mai đã lặn lội từ Sài Gòn lên Tây Ninh rồi về Tiền Giang với hy vọng mua cho bằng được cây mai vàng nguyên thủy trị giá tiền tỷ.


Trong vườn mai tiền tỷ của lão nông Phàn Xuân Thông (quận Thủ Đức, TP.HCM), cây mai vàng nguyên thủy có nguồn gốc từ Tây Ninh được ông dành tâm huyết, công sức nhiều nhất. Phải mất hơn 17 năm trời kể từ khi biết cây mai này ông mới “rinh” được nó về vườn nhà mình.

Bị đuổi vẫn xin đến thăm… mai


Cách đây khoảng 17 năm, nhà vườn ở Tây Ninh có một cây mai được trồng đã 3 đời, dáng uy nghiêm thiên nhiên đẹp, cành rải đều tứ diện… được người trong nghề đánh giá đây là mai “có một không hai”.

Nghe tin, lão ông từ quận Thủ Đức quyết lên Tây Ninh một chuyến xem tận mắt mai. Đến khi nhìn thấy nó, ông như bị hút hồn bởi vẻ đẹp tự nhiên, nguyên thủy của cây mai này.

Hành trình "săn" mai tiền tỉ của đại gia, Tin tức trong ngày, mai tet, dai gia, mai tien ti, xuan, mai quy



Làm chủ vườn mai với nhiều cây trị giá tiền tỷ nhưng lão già mê mai không nhận mình là đại gia mà ông chỉ bảo mình là người “đem mai cho các đại gia



Thế là từ đó, cứ dăm bữa vài tháng ông lại khăn gói lên Tây Ninh một chuyến chỉ để… thăm cây mai quý. Khi đã dành dụm được một khoản tiền, ông hỏi mua, người chủ vườn nhất định không chịu bán bởi đây là cây mai gia truyền để lại.

Đến khi thấy lão già cứ lên xuống Sài Gòn - Tây Ninh đều đặn, chủ cây mai nói thẳng: “Xem thì cho xem chứ không bán đâu. Cây mai này ông bà để lại đã 3 đời nay rồi”. “Vậy là tôi chỉ dám xin thăm cây mai? Có lúc, thấy tôi đến nhiều quá họ còn… đuổi về không cho vào xem” – ông lão nhớ lại.

Ông không nhớ hết bao nhiều lần đi về hơn 200km chỉ để nhìn ngắm cây mai mình thích, đam mê. Một thời gian sau, do hoàn cảnh gia đình, chủ mai quyết định bán với giá thương lượng khoảng 100 triệu đồng. Ông hối hả về nhà gom tiền, tính vay mượn để mua bằng được mai thì đã có người trả giá cao hơn.

“Lúc tới nơi, tôi chỉ nhìn thấy cái lỗ đất trống không nơi cây mai được trồng, nhìn mà tiếc đứt ruột” – ông tâm sự.

“Đứa con tinh thần” suýt chết hụt!


Và thêm một lần trong chuyến hành trình tìm cây mai này, ông dò hỏi khắp thương lái các tỉnh miền Đông, miền Tây xem ai là người đã may mắn mua được cây mai này.


Mai với thế "độc"



Sau nhiều lần mai chuyển chủ, nhiều năm sau, ông được biết chủ cây mai là một người phụ nữ ở Tiền Giang, chị cũng vì thích mai, đam mê mai lên đã bỏ ra vài trăm triệu mua lại cây mai này.

Cuộc tìm kiếm mai quý từ Tây Ninh bắt đầu chuyển về… Tiền Giang. Sau khi dò la tin tức từ các thương lái, người mê mai, lão ông tiếp cận với người phụ nữ đam mê loài hoa này đã dám bỏ ra hơn 500 triệu mua cây mai quý.

Sau thời gian đó, người ta lại thấy lão già mê mai không quản đường xa từ Sài Gòn về Tiền Giang thăm cây mai, chơi với mai ròng rã 2 năm trời. Ngay người chủ mới cũng trọng tấm lòng của lão già “si” mai mà đồng ý bán lại.

17 năm lần tìm, cuối cùng lão già si mai mới mua được cây mai Tây Ninh năm nào với giá… 800 triệu đồng.

Năm trước, có người trả 100.000 USD để mua cây mai này, nhưng lão nhất định không bán. Vậy mà mới đây, người nghệ nhân mê mai lại một phen hú vía với cây mai quý bởi nó suýt chết sau khi bộ rễ bị ăn mòn gần hết.

“Vừa đi Trung Quốc về, tôi phát hiện rễ cây mai đang bị chết. Tá hỏa, tôi cho người bứng toàn bộ cây lên rửa sạch rễ mới phát hiện ra nguyên nhân làm chết cây là do nguồn nước bị ô nhiễm, nước phèn” - ông Thông nhớ lại.

Nỗi hoảng sợ đánh mất cây mai quý cộng thêm nhiều khoản nợ nần vì… mê mai chưa trả, ông bị khủng hoảng mất ngủ nhiều ngày liền.

Cả tháng trời, ông theo dõi từng chút thay đổi của cây mai với hy vọng cứu sống được “đứa con tinh thần” của mình. Để có được nguồn nước sạch tưới cho mai, ông Thông đã nghiên cứu lọc nước qua… 4 lần, lọc bằng than hoạt tính.

May mắn, mai đang từ từ sống lại. Dù phải 1 năm nữa cây mai này mới hoàn toàn hồi phục, ra hoa trở lại nhưng đến giờ giới chơi mai đều nhận định đây là cây mai đẹp, mai quý hiếm có.

“Chỉ cần đầu tư, chăm sóc vài năm sau cây mai vàng nguyên thủy này sẽ không có “đối thủ” trong làng mai" – nghệ nhân Thông tin tưởng.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts