Wednesday, 11 January 2012

Cây cảnh: Vừa chơi vừa hốt bạc

alt Ở Bình Định, sinh vật cảnh đang được quy hoạch thành một ngành kinh tế hẳn hoi, gọi theo văn bản hành chính là kinh tế sinh thái. Năm 2009, khu vực kinh tế chưa kịp định hình này cho ra giá trị sản phẩm chừng 300 tỉ đồng. Đúng là vừa chơi, vừa... hốt bạc!
Trăm hoa đua nở
Mai xuân là đặc sản mà Bình Định không chịu thua chị kém em so với các vùng chuyên canh mai nổi tiếng cả nước. Nhiều năm nay, mai Bình Định tràn ngập đường thiên lý Bắc Nam mỗi dịp xuân về. Những địa danh Nhơn Phong, Nhơn Hưng, Đập Đá và nhất là Nhơn An đã biến đất kinh xưa - An Nhơn - thành thủ phủ hoàng mai.
 Thôn Háo Đức của Nhơn An trong có 400 hộ sinh cơ lập nghiệp thì hơn 350 hộ sống khỏe nhờ mai. Mỗi mùa mai Tết, dân Háo Đức xoa tay bỏ túi hàng chục tỉ đồng. Năm 2007, có tới 10 gia đình trồng mai Háo Đức đạt thu nhập trên 500 triệu đồng. Số 200 - 300 triệu/vụ thì nhiều, thống kê dằng dặc lên cả trăm lượt.Tháng 12.2005, tại lễ hội hoa Đà Lạt lần thứ nhất, nghệ nhân Bình Định từng khiến "đồng đạo" ngỡ ngàng vì 13 tác phẩm mai xuân nghệ thuật đồng loạt bung nở giữa tiết trời cắt da cắt thịt của cao nguyên ngày đông tháng giá. Giới chơi mai Bình Định không ai không biết chậu "bạt phong" của cơ sở Rôby Tuấn - nơi gặp gỡ tâm đầu ý hợp của hai anh chàng máu mê và mơ mộng: Võ Rôby - Huỳnh Thanh Tuấn. Vườn cảnh Rôby Tuấn đặt tại Trung tâm Triển lãm Quy Nhơn có nhiều "siêu phẩm" thượng thặng nếu xét về giá trị thương mại, song theo chủ nhân, "bạt phong" mới chính là sáng tạo để đời. Cây mai 30 năm tuổi vốn được Tuấn Rôby tìm thấy ở Phù Mỹ và quyết mua bởi sức cám dỗ mê hoặc của đoạn gốc có thế - dáng lạ.Đùm túm đưa về Quy Nhơn, sau 4 năm nuôi dưỡng, tạo tác, Rôby Tuấn kịp trình làng cuộc phá cách táo bạo, vượt ra ngoài khuôn mẫu truyền thống về những thân mai dáng trực, cành nhánh tròn trịa, cân đối, tượng trưng cho sự ngay thẳng, thanh cao và viên mãn.Cây mai ngày Tết thường mang vác những tâm niệm, ký thác tốt lành. "Bạt phong" trái lại, lấy phong ba bão táp làm hình tượng, lấy rũ rượi, ngả nghiêng, xô lệch làm đường nét, là kết quả của một cảm hứng gai góc, dữ dội. Dữ dội, gai góc nhưng không rối rắm, xô bồ, cẩu thả."Lý lẽ" sáng tạo nằm ở chỗ: Thần thái tự nhiên, cơ bản của cây được chắt lọc, nâng niu, nhấn nhá thành một tổng thể thâm trầm, giàu ý tưởng. Điều quan trọng nhất là kỳ công bức phá của nghệ nhân được dân trong nghề chia sẻ. Hiện Rôby Tuấn dù hàng ngày vẫn chăm sóc cây mai, nhưng sở hữu nó là một người khác sau cuộc trao đổi có mệnh giá 120 triệu đồng- giới hạn hiếm hoi so với các cây mai cùng tầm vóc, tuổi tác. "Vật chủ" khác trong vườn Rôby Tuấn là cặp sanh "lưỡng long tranh châu". Nghề chơi cũng lắm công phu. 12 năm trước, khi phát hiện ra chúng tại một nhà vườn An Nhơn, cả Tuấn lẫn Rôby đều ngẩn ngơ trước những cây sanh dáng rồng, chi cành khỏe khoắn, tư thế đối nghịch, bổ sung, hô ứng nhau như sự sắp đặt "trời cho". Đã thế, lại là loại lá răm (lá nhỏ), đọt đỏ, thuộc hàng thượng phẩm, quý hiếm trong trăm giống sanh từng được nhận diện.Mất 8 năm "nuốt nước miếng" đi về, nỉ non, cạy cục, cơn khát cặp sanh lạ của Tuấn Rôby mới được giải tỏa. Cặp sanh bấy giờ đã phung phí nhiều tư thế tiềm năng. Phải thêm 4 năm cặm cụi dẫn dụ, uốn nắn, cắt tỉa, phối lên đá cảnh...., hai ông chủ mới có được món "hàng độc" hiện nay.
alt
 Nói cây sanh, không thể không nhắc tới Nguyễn Nghĩa Đàn. Ông Đàn chọn sanh làm hồn cốt cho vườn cảnh hàng ngàn chậu xuất phát từ những tính toán kiểu "chắc cú". Một, ông hướng ra thị trường phía bắc, nơi chuộng đại thụ, thích săm soi chiều kích, sự hoành tráng, mạnh mẽ, sum suê, sung mãn. Hai, công việc và sự bận rộn mách bảo ông lánh xa lãnh địa đài các, đỏng đảnh, năm ăn năm thua rủi ro mạo hiểm của lan, mai.Ở "vương quốc" của mình, Nguyễn Nghĩa Đàn là người "sản xuất" các ý tưởng dựa vào kết quả thẩm định tiềm năng dáng thế từng cây; việc "thi công", có đội ngũ nghệ nhân làm công ăn lương đảm trách. Cây sanh, với sức sống mãnh liệt, dẻo dai của nó, khả dĩ thỏa mãn yêu cầu "giải phẫu thẩm mỹ" cùng những ngón nghề dao kéo, những phương án thử nghiệm, thăm dò, cắt ghép, hoán cải, chuyển thế mà ông gọi là rộng đường sáng tạo.Vườn sanh Nguyễn Nghĩa Đàn quả nhiên là một thế giới muôn hình vạn trạng, quằn quại đau thương và hân hoan phồn thực; dồn ép và giải thoát; bay bổng và trầm tư...Khác Nguyễn Nghĩa Đàn hay Tuấn Rôby, nghệ nhân Phước Lộc chủ yếu thi triển công phu trong một không gian chật chội gồm khoảnh sân bên dưới, dải lan can và chút nắng trời tận dụng cạnh dây phơi tầng trên. Ông Lộc nay gần 70 tuổi, cựu chiến binh, một tay quay phim chụp ảnh có danh, là người trung thành với nguyên tắc kinh điển "cổ, kỳ, mỹ" suốt mấy mươi năm buồn vui cùng sinh vật cảnh.Để hình thành một cây cảnh nghệ thuật, có khi cần 4 - 5 năm, có khi hơn; ông gọi đó là quá trình đào tạo- một quá trình bất tận, liên tục, không ngừng nghỉ, không được phép thỏa mãn. Bởi như ông cắt nghĩa, cái "thành đạt", cái khiến mình rung động ngày hôm nay, đến  lúc nào đó rất có thể thành lạc hậu, nhàm chán, hết duyên quyến rũ.Phải chỉnh sửa, phải "đào tạo lại" để nuôi dưỡng sự liền lạc của cảm xúc thưởng ngoạn. Tình trạng vô giá, hiểu theo nghĩa giá cả vô chừng, tùy thời điểm, tùy tâm trạng, tùy người chơi của cây cảnh nghệ thuật do đấy mà ra. Không nệ chủng loại, vườn nhà ông Lộc là tập hợp "thập loại chúng sinh", có trắc, có sanh, linh sam, có diệp hạ châu, có sơn trà... Điều khiến ông lao tâm khổ tứ tìm kiếm, "đào tạo" là những sản phẩm có hình thế quái lạ, là bản lĩnh ứng dụng kỹ thuật "lão hóa" phôi thô, "chưa cổ nhưng làm như cổ"...Trở lên là mấy ví dụ rời rạc nhân chuyến khảo sát thuận đường tại Quy Nhơn. Chưa ai cất công xếp hạng hoặc một kết quả xếp hạng như vậy là không nên có, song chắc chắn, những cơ sở tạo được dấu ấn, bản sắc riêng, sở trường, sở đoản riêng trong đội hình đông đúc 9.500 hội viên sinh vật cảnh Bình Định sẽ còn rất nhiều.
alt
Một vốn... bốn mươi lời

    Giới buôn bán sinh vật cảnh luôn né tránh có chủ ý những câu hỏi  liên quan đến doanh số, lỗ lãi. Thường thì họ giấu "đầu vào" hoặc chỉ "đơn cử" một vài thương vụ. Tôi không có lựa chọn nào khác hơn là... mò mẫm suy luận, cóp nhặt, gá ghép, xâu chuỗi các dẫn chứng lại với nhau. Kết quả không đến nỗi nào.Người ít "giấu bài" nhất là cựu chiến binh Phước Lộc. Ông Lộc nói thẳng, chính cây cảnh đã làm thay đổi cuộc sống gia đình ông, cho con cái ông cơ hội học hành, thành đạt; biến ngôi nhà xập xệ nhàu nhĩ thành cơ ngơi đường bệ; khiến người vợ quanh năm đầu tắt mặt tối, mỗi sáng lót dạ bằng mẩu bánh mì chay thành bà chủ thảnh thơi nhàn tản. Bí quyết thành công khi tạo tác cây cảnh, theo ông Lộc, là đừng nghĩ tới chuyện kinh doanh, mua bán. Cứ dồn hết tâm can vào đó, tự nhiên sẽ gặp tri kỷ. Chỉ vào cây trắc "long thăng", dáng rồng, ông cho biết: "Tôi mua 3 triệu cách đây vài tháng. Giá hiện nay cầm chắc 30 triệu. Tôi chưa bán vì còn mê chơi, mê sửa sang, tu bổ". Cách đó không xa là cây sanh dáng đa, ông Lộc bảo không thích "công trình" này bằng cây trắc, nhưng thông tin kèm theo thì dễ làm người nghe cảm thấy... bồn chồn: "Giá mua 25 triệu. Đã có người trả 350 triệu. Giá bán 500 triệu".Là người nghiêm cẩn, thủ tín, lắm khi ông không ngần ngại từ chối những thương vụ hậu hĩ. Hồi năm kia, đưa một cây trắc đi triển lãm, có vị khách ưng ý dạm mua 4.000 đô, ông nhất quyết khước từ dù giá "đầu vào" chỉ vài trăm ngàn bạc và dù người mua cam kết chịu tổn thất nếu sự cố xảy ra. Lý do: Cây trắc của ông hãy còn yếu ớt.Chủ cơ sở Nghĩa Đàn chỉ "bạch hóa" khoản lãi 40 triệu đồng từ vụ trao đổi chớp nhoáng cây sanh mua ở Phước Hiệp giá 350 triệu. Với cây sanh quần thụ, dáng đa, hình rồng cao 3m, tán rộng 4,5m mà một đại gia tên Hùng "Sâu" tận Vĩnh Phúc nâng lên 1,2 tỉ đồng sau hai lượt ngã giá, ông Đàn trước sau cứ lấp lửng, quanh co.
  Rốt cuộc thì tôi cũng... đoán ra, để có cây sanh về sau thành "hàng độc", hơn một năm trước, cách thức của ông là trao đổi ngang giá một cây sanh khác ước chừng 60 triệu, kèm bộ kiểng 2 triệu đồng. Cuối cùng, ông Nguyễn Nghĩa Đàn cũng lấy chiếc Inova đen cáu cạnh ra... làm chứng cho thành quả dầm sương dãi nắng. Chiếc xe 650 triệu đồng xác nhận mức độ "thật thà khai báo" đến đâu thì... trời biết và ông Đàn biết. Dẫu sao, cũng nên cung hỉ phát tài!

No comments:

Post a Comment

Popular Posts