Wednesday, 11 January 2012

"Công nghệ phục dựng" cây cảnh

Cây Cảnh Việt Nam - Những ngày cận Tết, nhiều người dân Hà Nội bắt đầu mua sắm cây cảnh, trang trí nhà cửa chuẩn bị vui xuân năm mới. Niềm vui chưa tới thì không ít người chuốc bực vào người vì mua phải cây cảnh dỏm, cây chết yểu...
Hoa Xương rồng lai thanh long “Chết yểu sau 5 ngày”
Để phòng tiếp khách bớt trống trải, ông Nguyễn Oanh, đường Bạch Đằng (Hà Nội) mua cây sung cảnh với giá 300.000 đồng của người bán rong qua nhà.
Ông Oanh cho biết: "Khi mua, tôi đã chọn kỹ, thân cây to chắc, lá xanh mướt trông rất khoẻ khoắn và quả sai, trổ quanh gốc lên gần ngọn. Những tưởng mua được cây cảnh đẹp, nhiều quả, nhiều lộc để bầy trên bàn nước đón bạn bè mấy ngày Tết, không ngờ chỉ sau 5 hôm, tôi thấy quả sung bắt đầu héo teo, thối dần, xem xét kỹ mới phát hiện ra, quả được gắn rất tinh vi vào cành và gốc cây."
Ông thở dài ngao ngán: “Chưa kịp vui Tết đã chuốc bực vào người”.
Cũng gặp cảnh mua phải cây chết yểu như vậy, chị Hồng Hạnh ở phố Láng Hạ, mua được cây ngọc lan rất đẹp với giá khá bèo, chỉ 25.000 đồng.
Chị cho biết: “Hôm đầu mua về, tôi rất tâm đắc. Có cây ngọc lan tươi nguyên trong nhà, làm căn phòng sáng sủa hơn biết bao. Nhưng chơi lan từ sáng tới tối đã thấy hoa “ìu” xuống. Cánh hoa thâm đen lại, đành phải vứt đi”.
Có rất nhiều người vướng cảnh “chưa Tết đã hết vui” tương tự. Các loại cây cảnh, hoa cảnh được làm giả khá phổ biết, mà giá cả không phải rẻ: Bonsai có giá dao động 300.000 đến 600.000 đồng; hay quất cảnh, sung cảnh, hoa trà, lộc vừng... có giá trên dưới 500.000 đồng tuỳ theo kích cỡ, chỉ có sức sống chưa đầy một tháng là chết. Chính vì thế gây nhiều bức xúc cho những người chơi hoa trong những ngày cận Tết.
“Công nghệ” phục dựng cây cảnh
Một “thợ” trong nghề “tái tạo” cây cảnh đã giải nghệ (xin giấu tên) ở huyện Châu Giang, Hưng Yên, cho biết, những người bán rong cây cảnh chủ yếu ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây và một vài xã thuộc ngoại thành Hà Nội, chuyên làm nghề cây cảnh dỏm đem bán khắp ngõ ngách trong nội thành. Những loại cây cảnh cỡ nhỏ, trung bình tuổi thọ không quá một tháng, có loại cây chỉ chơi được trong một ngày là chết.
Trong nghề này phải có “kỹ nghệ” tương đối mới làm được. Anh cho biết: Phổ biến nhất vẫn là “râu ông cắm cằm bà”, cách cắm loại hoa này với thân cây khác. Ví như cây ngọc lan thì hoa đúng hoa lan, nhưng bông “tầm gửi” trên thân cây đa lông, thân cây này dáng đẹp lại rất giống thân cây ngọc lan thật. Mua phải loại hoa “đầu dê mình khuyển” này chỉ chơi trong một buổi là tàn.
Đối với loại cây cảnh có trái thì chuyện gắn quả cho cây thì rất nhiều, đặc biệt là các loại cây như quất cảnh, khế cảnh, sung... Anh chỉ cần 5 phút có thể phù phép cho những cây này không có quả biến thành... chi chít quả quanh gốc, cành. Với những người có “nghề” thì thao tác rất đơn giản: Chỉ cần một lọ keo dán 502 và một chút khéo léo là xong.
Còn các loại cây có sức sống khoẻ lại mau chóng chết yểu như bonsai, si, đa cảnh, lộc vừng... là do cây bị cắt rễ gốc, chiết non, thậm chí chỉ là cành của cây, được cắt tỉa đôi chút rồi cắm vào chậu mang đi bán. Những người không sành về hoa kiểng rất dễ “sập bẫy”.
Để tránh mua phải cây cảnh dỏm, chết yểu, ông Văn Dũng (chủ vường hoa cây cảnh ở Gia Lộc, Hải Dương) cho hay:
Những người ít am tường hoa kiểng nên cẩn trọng với cây cảnh được bán rong. Nên xem xét kỹ cuống lá, cuống hoa xem có bị gắn nối hay không; tránh mua loại cây bị đứt rễ và cây cành non mà lại quá nhiều quả. Tốt nhất là mua ở những vườn hoa kiểng, cửa hàng cố định, không nên ham rẻ mà “mua” bực vào mình trong dịp Tết cận kề.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts