Wednesday, 11 January 2012

Sinh vật cảnh hướng tới làm kinh tế ở thị xã Tam Điệp

Những năm qua, sản phẩm sinh vật cảnh (SVC) trên địa bàn thị xã Tam Điệp đã và đang trở thành hàng hoá có giá trị nghệ thuật, mỹ thuật được thị trường chấp nhận cho giá trị kinh tế cao, nhiều tác phẩm có giá trị hàng chục và hàng trăm triệu đồng.

Tiềm năng kinh tế SVC ở thị xã Tam Điệp khá dồi dào với các sản phẩm cây phôi đã và đang định dạng phát triển cây nghệ thuật có giá trị kinh tế ngày một nhiều lên. Năm 2009 một số hội viên và cả người chưa vào hội đã và đang tìm tòi phát triển đá cảnh, đá nghệ thuật, chim, cá cảnh và trồng hoa. Trên địa bàn thị xã đã có những mô hình phát triển SVC đầu tư hàng trăm triệu đồng như ông Thể ở xã Yên Sơn, ông Toản ở xã Đông Sơn, cá biệt có vườn đầu tư vào hàng tỷ đồng như vườn ông Phượng, ông Thành ở phường Bắc Sơn. Ước tính tổng diện tích trang trại của các hội viên là 17 ha, tập trung ở Đông Sơn.

Hiện tại các gia đình có trên 10 nghìn chậu cảnh, trên 1.200 giò phong lan; cá cảnh, chim cảnh khoảng 250 lồng, bể. Thu nhập từ kinh tế SVC của hội viên trong năm ước đạt trên 1 tỷ 600 triệu đồng, riêng chi hội xã Yên Sơn thu trên 600 triệu đồng. Tính quân bình đạt gần 10 triệu đồng/hội viên. Có nhiều hội viên thu nhập từ SVC lên đến hàng trăm triệu đồng như: ông Thể, ông Đạt, ông Bình (Yên Sơn), nhiều hội viên đã bắt đầu có sản phẩm bán ra thị trường. Các cuộc trưng bày, hội chợ, Festival Sinh vật cảnh đã tạo ra sân chơi mới cho những người làm và chơi sinh vật cảnh.
Cây cảnh Tam Điệp
Cây cảnh của DN Linh Phương (thị xã Tam Điệp) được chọn trưng bày tại Festival SVC Ninh Bình 2010.
Cán bộ, hội viên thị xã tích cực tuyên truyền trong nhân dân, trong các cơ quan, xí nghiệp, trong các đơn vị, nhà trường cùng làm SVC, trồng cây xanh, cây bóng mát, các chậu cây cảnh làm đẹp cho gia đình, công sở cải thiện môi trường sinh thái, từ đó động viên, lôi cuốn nhiều hội viên làm kinh tế SVC, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết được một phần công ăn việc làm trong lúc thời vụ nông nhàn. Ngày càng nhiều hội viên xác định phát triển kinh tế SVC là nguồn thu nhập chính của gia đình. Các chi hội mạnh như chi hội Yên Sơn, Đông Sơn vẫn tiếp tục phát triển, các chi hội mới được thành lập cũng hoạt động có hiệu quả như chi hội Tây Sơn, Quang Sơn.

Nói về hoạt động của Hội SVC thị xã những năm qua, đồng chí Trần Quốc Sử, Chủ tịch Hội SVC thị xã cho biết: Đến nay thị xã Tam Điệp có 9 chi hội/185 hội viên, hội viên cao tuổi nhất 90 tuổi, trẻ nhất 22 tuổi. Thời gian tới, Hội sẽ tuyên truyền, vận động, phát triển thêm hội viên, đồng thời tham gia đầy đủ các cuộc trưng bày của thị xã, của tỉnh và cả nước. Từ đó tạo sân chơi bổ ích, thiết thực thúc đẩy kinh tế SVC của thị xã ngày càng phát triển.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts