Càng cổ càng có giá
Giới chơi cây trong nước, nhiều người người biết tiếng anh Phan Văn Toàn (sinh năm 1960), hiện là chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Việt Trì. Sở dĩ nhiều người biết đến anh Toàn là vì anh đang sở hữu những cây cảnh thuộc vào hàng “topten” cả nước về độ độc và đắt, cũng là người gần chục năm nay chỉ mua vào mà không bán ra một cây cảnh nào.Trong vườn anh Toàn hiện có tới 400 cây cảnh, chủ yếu là cây sanh. Nhà luôn có khách viếng thăm từ nhiều tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội... Cây mang giá trị thấp nhất cũng không dưới 50 triệu đồng. Nhưng theo anh Toàn, không phải cây càng đắt thì càng giá trị, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.
Cây tùng đánh dấu bước ngoặt cuộc đời anh Phan Văn Minh.
Để có được bộ sưu tập này, anh Toàn đã lăn lộn ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống bể lùng sục tìm kiếm. “Cứ nghe tin ở đâu có cây đẹp là tôi với ông bạn chí cốt (anh Nguyễn Tuấn Anh, thư ký Hội Sinh vật cây cảnh TP Việt Trì - PV) lại mò đi. Nhiều chuyến đi cả tuần nhưng về tay trắng. “Có lúc thấy cây đẹp, ưng ý rồi, nhưng thuyết phục để người ta bán cho mình mới là điều cực kỳ khó”- anh Toàn kể - “Tôi phải trình bày cho họ thấy mình là người chơi cây thực sự, đam mê thực sự, chứ không phải người thương lái, buôn cây. Nhiều người chủ cây nói với tôi: Chắc chắn họ không bao giờ bán cho thương lái”.Theo anh Toàn, giá trị cây được đánh giá ở hai mặt: Giá trị lịch sử (độ tuổi) và tính nghệ thuật. Cây có độ tuổi càng cao thì càng đắt. Với những cây độc nhất vô nhị thì thậm chí nhiều khi không thể định giá vì giá trị của nó quá lớn. Trong vườn anh Toàn hiện có những cây cực quý. Đó là những cây sanh có độ tuổi trên dưới 300 năm, cây lộc vừng độc nhất vô nhị, cây đề đẹp nhất Việt Nam... Mỗi cây là cả một câu chuyện dài về thân phận của nó cũng như cái “duyên số” giữa anh Toàn và cây ấy. Chẳng hạn như cây “Ông Bụt” xuất phát từ Huế, cây này có tuổi đời tới 300 năm. Sau đó, một người tận Thái Nguyên mua lại, rồi bán về Tam Đảo... tới bây giờ thì nằm trang trọng giữa vườn anh Toàn. Hay như cây “Lực sĩ” có tuổi đời khoảng 150 năm, nó là một trong những cây nổi tiếng nhất Hà Nội, giờ cũng nằm trong vườn anh Toàn. Hoặc cây “Dáng làng” tuổi đời cũng ngót 200 năm, nguyên của anh Cường “họa sĩ” đã thành danh ở đất Hà thành về cây cảnh, từ Hà Nội lưu lạc về Hà Tây, rồi mới về Việt Trì. Cây này còn có tên khác: cây TV đen trắng, vì khởi tích, nó được chủ nhân đổi ngang lấy chiếc TV đen trắng...Vẻ đẹp của những cây cảnh cổ có thể khiến người xem đứng ngắm ngơ ngẩn hàng tiếng mà không chán. Những cây quý như thế giờ không còn nhiều. Vì thế giá trị của nó lại càng được nâng lên. Đã có người trả anh Toàn 1,2 triệu USD để mua lại cây “Ông Bụt”, nhưng anh Toàn không bán. Cây “Dáng làng” giá trị của nó cũng tương đương.
Nghề chơi siêu lợi nhuận
Ai chơi cây cảnh “quý tộc” cũng đều hiểu rất rõ câu chuyện vừa chơi vừa kiếm bộn tiền từ cây. Nhưng thực hiện được điều ấy hay không, không phải ai cũng có thể! Anh Phan Văn Minh (SN 1971), hiện là phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Việt Trì, dù mới bước chân vào nghề được 4 - 5 năm nay, nhưng nhắc tới tên tuổi anh thì nhiều người không lạ. Dạo trước, anh Minh lặn lội tới tận Bạc Liêu để mua về đôi cây tùng với giá 1,6 tỷ đồng. Thương vụ ấy đã khiến giới chơi cả TP Việt Trì bàng hoàng, vì tiền lệ chưa từng có ai mua cây tới tiền tỷ như thế. Chuyến xe chở hai chiếc cây bạc tỷ đầy gian truân từ Nam ra Bắc đã đội chi phí lên tới 50 triệu đồng. Về tới Việt Trì an toàn, anh Minh thưởng thêm cho nhà xe 20 triệu đồng nữa. Hai cây này cũng đánh dấu bước ngoặt cuộc đời anh, chính thức bước chân vào làng chơi cây. Và mới đây, anh Minh đã bán đi một cây cho khách chơi trong Sài Gòn với giá... 1,6 tỷ đồng. Lại một chuyến xe gian khổ để chuyên chở cây bạc tỷ lộn ngược trở lại theo hành trình cũ. Cây còn lại đẹp hơn, đắt giá hơn thì anh trồng trang trọng trong vườn và không có ý định bán nữa. Theo anh Minh, giá trị của nó rất khó định đoạt trong thời điểm này. Trong vườn nhà anh Minh có khoảng hơn chục cây, được bố trí sắp xếp rất đẹp. Tuy ít, nhưng số cây ấy có giá không dưới 10 tỷ đồng.
Với anh Toàn, mấy cây “triệu đô” mà người ta đánh tiếng trả giá, anh cũng mua lại với giá từ vài chục tới vài trăm nghìn USD. Tới nay giá trị của nó đã lớn gấp nhiều lần. Anh Toàn nói: “Tôi chơi cây chính xác là 7 năm nay, giá cây chưa bao giờ giảm mà bây giờ đã lên gấp 10 lần so với thời điểm 7 năm trước”. Anh Toàn mong muốn mô hình trồng cây cảnh sẽ được nhân rộng trong dân gian, để tăng thu nhập cho người dân: “Cây cảnh mang lại giá trị kinh tế rất cao. Một cây mua 15 - 20 triệu đồng, sau 1 năm có thể bán tới 70 - 80 triệu đồng. Nông dân không có vốn, có thể xin hạt về ươm, chăm. Sau 5 năm mỗi cây đã có thể kiếm được tiền triệu. Tiềm năng của cây cảnh là rất lớn nhưng nhiều người chưa biết, hoặc chưa có điều kiện tận dụng”.
Câu chuyện về những cây cảnh bạc tỷ thường là “dây cà ra dây muống”, rất dài dòng và vô cùng thú vị. Có vui, buồn, sung sướng, hạnh phúc, đau khổ... Chuyện giới tỷ phú Việt Trì chơi cây chỉ như lát cắt nhỏ trong thế giới chơi cây mà thôi. Ở khắp nơi hàng ngày vẫn có hàng nghìn người ngày đêm lùng sục mua cây, vì cả lòng đam mê lẫn lợi nhuận.
No comments:
Post a Comment