Sản phẩm cây cảnh nghệ thuật tạo hình “Khuê Văn Các” vừa được đưa lên Hà nội để triển lãm nhân 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là một sản phẩm mà theo anh, “ý tưởng đã manh nha từ năm 2000”. Ngắm Khuê Văn Các xanh, chúng tôi cảm thấy mình như bị hút hồn trước vẻ đẹp, nét hấp dẫn trước một hình ảnh vốn quen thuộc với đa số người Việt Nam.
Khuê Văn Các xanh hiện cao 7m, bề ngang 4m với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng một mét. Mỗi cột là một phần. Khi muốn đem đi đâu thì tháo ra để sai đó ghép lại.
Chúng tôi đứng nhìn bề ngoài, thú thật là không sao nhận ra vết lắp ghép.
Khuê Văn Các xanh vốn đã được Hiệp hội Làng Nghề Việt Nam trao bằng chứng nhận sản phẩm tinh hoa văn hoá làng nghề, năm 2009.
Nghệ nhân 36 tuổi Nguyễn Thanh Vân nhớ lại: “Thời cấp 2, tôi đã dự cuộc thi tạo dáng cây cảnh tỉnh Hà Nam Ninh (khi chưa tách tỉnh). Hôm đó thi trong 2 tiếng đồng hồ, tôi đã tạo dáng xong một cây cảnh hình con Hạc và nhận giải nhất”.
Anh Vân kể với niềm vui pha chút tự hào về tay nghề “con nhà nòi” của mình vì bố anh vốn sinh thời cũng là một nghệ nhân có tiếng ở làng Vị Khê.
Làng cây cảnh Vị Khê vốn là làng cây cảnh có tuổi đời 800 năm; có thể nói đó là làng cây cảnh cổ nhất nước.
Cũng không ai thống kê nổi nơi đây đã sản sinh ra bao nhiêu nghệ nhân cây cảnh giỏi, chỉ biết là trải qua các thế hệ đều xuất hiện những nhân tài, dưới những bàn tay khéo léo, tạo nên những cây cảnh đẹp có mặt ở khắp trong Nam ngoài Bắc; xuất khẩu ra cả nước ngoài.
Từng theo học lớp trung cấp nhạc hoạ tại Hà Nội (1992- 1993), nhưng rồi do niềm đam mê cây cảnh, anh đã trở về với nghề truyền thống.
Kinh nghiệm chọn cây cảnh? Anh Vân bảo: “Cũng theo quan niệm các cụ thôi: Chân cầm dị thú - Quái vật kì thư mà tôi hiểu nôm na là cái gì hay lạ đều làm cảnh được”.
Anh Vân cho rằng cây thế là cây có chiều sâu nhất. “ Chơi cây để dưỡng trí, thổi hồn cho cây để qua đó, răn dạy con cháu”.
Vợ cũng là người cùng quê, cùng nghề nên trong khuôn viên gia đình 800 m2, hai vợ chồng “quy hoạch” thành cả một khu cây cảnh với những tác phẩm thú vị lớn lên từ đây như bộ Ngũ Sự (gồm đỉnh, đôi hạc, đôi đèn – làm đến 16 năm; hiện đang được đặt ở bãi tắm Vân Đồn (Quảng Ninh); đôi hoa Sen đang được trưng bày ở Đầm Sen (TP.HCM); bộ ba cây thế (tháp Eiffel, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm – hiện đã bán cho một đơn vị ở Hà Nội).
Anh Vân bảo: “ Để có được những tác phẩm thế này, tôi buộc phải kiên trì với thời gian”
Điều đáng nói, anh Vân không chỉ biết làm giàu cho riêng mình mà còn vui vẻ giúp đỡ hội viên làng cây cảnh, bà con xung quanh về vốn, đặc biệt là kỹ thuật tay nghề. Tại một vườn cây cảnh mà anh mới mở ở xã Điền Xá, hơn 10 công nhân đang miệt mài bên cây cảnh với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng
No comments:
Post a Comment