National Trust - tổ chức bảo tồn các di sản tự nhiên, kiến trúc và lịch sử trên lãnh thổ vương quốc Anh - cho biết, xứ sở sương mù sở hữu một số cây cổ thụ nổi tiếng nhất thế giới. Chúng mọc trong các lâu đài cổ, công viên quốc gia và thậm chí trong cả nhà dân.
Thiên tài khoa học Isaac Newton phát triển định luật vạn vật hấp dẫn sau khi nhìn thấy một quả táo rụng từ cây này. Hiện nay nó đã được gần 350 tuổi - Ảnh: Telegraph
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, xói mòn đất, ô nhiễm trong các đô thị, tình trạng ấm lên toàn cầu có thể giết chết những cây cổ thụ nổi tiếng nếu con người không nhanh chóng ra tay để cứu chúng.
Trong số những cây nổi tiếng nhất xứ sương mù đối mặt với nguy cơ diệt vong có cây táo gần 350 tuổi tại điền trang Woolsthorpe, hạt Lincolnshire. Người ta đồn rằng nhà khoa học thiên tài Isaac Newton đã phát minh định luật vạn vật hấp dẫn sau khi nhìn thấy một quả táo từ cây này rơi xuống đất vào năm 1665. Ngoài ra còn có một cây thủy tùng 2.000 tuổi ở hạt Berkshire và một cây sung dâu vài trăm tuổi ở Dorset.
National Trust đã chỉ định một chuyên gia chịu trách nhiệm bảo đảm sự sống cho các cây cổ thụ nổi tiếng bằng cách bảo vệ môi trường xung quanh chúng. Họ cũng trồng nhiều cây mới gần những cây cổ thụ đã hoặc sắp chết.
"Tất cả cây cổ thụ nổi tiếng đều đối mặt với mối đe dọa từ thuốc trừ sâu, phân bón. Tình trạng sử dụng hóa chất tràn lan khiến môi trường xung quanh chúng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khói, bụi từ các sân bay và đường sá, tình trạng xói mòn đất cũng làm tăng nguy cơ chết của cây", Brian Muelaner, một chuyên gia về cây lâu năm của National Trust, phát biểu.
Theo Muelaner, cây cổ thụ không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn là môi trường sống của nhiều loài chim, côn trùng và địa y. Những loài đó chỉ có thể tồn tại trên cây lâu năm.
Ngày càng có nhiều nhà khoa học bày tỏ lo ngại về tình trạng chặt phá cây cối để làm đường và xây dựng nhà. National Trust cho hay Anh có ít nhất 100.000 cây cổ thụ. Ngoài 40.000 cây thuộc sở hữu của National Trust, số cây còn lại hầu như không được biết đến và bảo vệ.
No comments:
Post a Comment