Wednesday, 11 January 2012

Thú chơi lộc vừng

Cây Cảnh Việt Nam - Lộc vừng vừa trút lá, gặp tiết xuân, trên tán đang bừng ra một loạt nụ mới, biếc trong nắng sớm, trông như một thứ pha lê màu. Thân cây vững chãi, dáng phong sương, dọc thân có vài ba cái mấu, càng tỏ ra cái thế từng trải...Một lần, đến thăm một người bạn, cũng là loại chơi cây cảnh có hạng ở Hà Nội, tôi đã đứng hồi lâu bên chậu cây lộc vừng. Chậu cảnh khá lớn, đặt trên một bậc xây vừa phải. Đi từ ngoài vào, đã thấy cái dáng cây thế hoành, khá đẹp, hai tán nhỏ, một thấp, một cao, chếch nhau.
Bạn mời vào nhà, tôi nấn ná đứng lại ngắm thêm chút nữa và bảo:
  - Anh có chậu lộc vừng đẹp quá!
 Bạn tôi thủng thẳng nói:
  - Bây giờ, lộc vừng là thứ người Hà Nội rất chuộng. Nhà sinh vật cảnh, nhà khoa học, giới văn nghệ, một vài lần tiếp xúc với lộc vừng là mê.
 Anh cười rồi tiếp:
 - Bây giờ người ta còn trồng lộc vừng bán cho những ngôi biệt thự vừa mới xây xong. Anh cứ đi thử thăm một số nhà ở quanh hồ Tây này mà xem, nhà nào chẳng có một vài cây lộc vừng.
 Ra thế! Hóa ra lộc vừng lại được chuộng đến như vậy! Nhớ có lần vào ăn một quán hồ Tây ban đêm vào mùa thu, khi vào quán, ra sân, tôi chạm vào những tua hoa lộc vừng đang thả xuống. Hoa chạm vào đầu, vào vai, và rụng xuống mấy bông hoa đỏ nhỏ. Giơ tay ra hứng, nhìn mấy bông hoa nhỏ trong lòng tay, gió thu từ hồ thổi lên mát rượi, ngắm những dây hoa đung đưa trước gió, bỗng như thấy mình cũng đang được nhuốm trong hơi thu, lá thu vậy...Bây giờ, người ta hay nghĩ về tài lộc. Những người chơi cây trong vườn, trong nhà cũng chọn bốn thứ: xanh, sung, đa, lộc. Xanh tức là họ si, bốn mùa xum suê, xanh tốt. Đa thì vừa đẹp lá, búp đẹp, lại được cho là chơi đa sẽ đa tài, đa phúc, đa thọ... và nhiều thứ đa khác nữa. Sung vốn là cây mọc bờ ao, thời kinh tế thị trường, cây sung đặt trong nhà, quả chi chít từ ngọn đến gốc, cũng là tượng trưng cho sự sung túc.
alt
 Sung cũng được săn lùng, đến nỗi có người mua phải cây sung, cây, cành lá rõ đẹp, quả sai chi chít, nhưng vài hôm sau sờ vào thì quả tự long ra, hóa ra là quả “rởm” được dính keo vào! Còn lộc vừng thì hẳn là người chơi cũng hy vọng là lộc đến quanh năm, không lúc nào ngớt... Bởi chơi lộc vừng, dù đẹp hay vừa vừa là tùy đồng tiền bỏ ra thôi, chứ lộc vừng, chọn được cây thế đẹp, ưng ý mới khó, chứ cây cũng vốn dễ trồng, dễ chăm, ít khi có hàng “rởm”! Bạn tôi nâng nhẹ một cành nhỏ trên tán lá cây lộc vừng bon-sai, những chồi lộc vừng tím biếc in trên lòng tay, nói:
   - Chơi lộc vừng có cái thú, ngoài cái dáng cây thế đẹp, còn được thưởng thức cái tán lá này, từ lộc màu tím biếc, sang màu lá thay đổi theo ánh sáng mặt trời. Lá theo xuân, hạ, thu, đông mà đổi từ màu xanh sang màu vàng chanh, sang màu da cam, chuyển thành màu đỏ... rồi trút lá lại sang mùa lộc mới.
 Hoa lộc vừng nở vào mùa thu... Người Hà Nội ai mà chẳng biết cây lộc vừng chín gốc bên cạnh đền Ngọc Sơn. Mỹ thụ chứ không phải mỹ nhân, mà không biết bao nhiêu người mê. Khi gió heo may làm gợn lên những làn sóng lăn tăn trên mặt hồ, cũng là lúc cây lộc vừng chín gốc bên hồ Gươm những mầm hoa nhỏ, rồi qua đêm, qua ngày cứ dài dần trước mắt những người đến chiêm ngưỡng, buông những tua hoa dài, giống vương miện hoàng đế. Truyền thuyết về cây lộc vừng gạo cội làm mê mẩn những người yêu Hà Nội, yêu hồ Gươm này, cũng là một chuyện đẹp có thể kể trong ngày Valentine! Đó là từ ngày xửa, ngày xưa, có một đôi trai gái yêu nhau... hẹn hò đến nơi này tình tự. Chàng có mang theo một túi hạt. Vì say đắm nhau, nên khi chia tay đã bỏ quên.
alt
 Sau đó hạt nảy mầm thành cây lộc vừng chín gốc, một nửa tỏa tán trên bờ, bốn gốc ngả xuống lòng hồ, cái thế âm dương tự nhiên ấy, biểu trưng cho tình yêu của họ. Thế rồi hàng năm, cứ mùa thu về, những dải hoa đẹp cứ dần hình lên, buông mành xuống mặt hồ nước xanh, và mùa hoa làm đắm đuối bao nhiêu người, từ già đến trẻ, người trong nước, người nước ngoài. Tôi đã chứng kiến một Việt kiều người Hà Nội, xa nước mấy chục năm, về ngắm hoa lộc vừng, mấy lần rút kính ra lau nước mắt. Lại có những nghệ sĩ nhiếp ảnh, cứ đến mùa lộc vừng nở hoa là đến “săn ảnh”, chọn chỗ đứng đắc địa nhất, tốn hàng chục cuốn phim, để có được những kiểu ảnh trong bộ sưu tầm “Lộc vừng bên hồ Gươm” của mình... Lại có những người già, tập dưỡng sinh, không chọn chỗ nào khác, cứ phải rủ nhau đứng dưới cây lộc vừng mà tập, để sau đi hết những đường thái cực quyền, ngồi xuống một trong chín gốc lộc vừng, quay mặt ngắm hồ, ngắm tháp Rùa, ngắm đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc...Cây lộc vừng chín gốc bên hồ Gươm, giờ có thể liệt vào hàng “di sản quốc gia” của Hà Nội, thiết nghĩ ngành văn hóa cũng nên gắn cho cây một tấm biển để tôn vinh cho một “chứng nhân lịch sử” thảo mộc của hồ Gươm này...Nhưng kìa, rượu bạn tôi đã bày ở trước hiên. Rượu đã rót, loại nếp cái hoa vàng thượng hạng, thức nhắm đã bày rồi... Nắng xuân đang chiếu vào cây bon-sai lộc vừng đầy lộc biếc của bạn, khiến cho cây lộng lẫy nhất vườn. Tôi nói đùa:
 - Bữa nay, anh đãi tôi món nhắm đặc sắc ảo nữa đấy!
 - Gì vậy?
 - Bon-sai lộc vừng rộ lộc!

No comments:

Post a Comment

Popular Posts