Thursday, 12 January 2012

Đồng Tháp: Hội thảo phát triển hoa kiểng

Hội thảo sinh vật cảnh Đồng Tháp
Cây Cảnh Việt Nam - Hội thảo do sở NN&PTNT tổ chức vào ngày 5-12, tại khu du lịch Mỹ Trà, với sự tham gia của các diễn giả là Phó giáo sư, Tiến sĩ giảng viên trường Đại học Cần Thơ và hơn 200 nhà vườn trồng hoa trong tỉnh đến tham dự. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Lễ hội Sinh vật cảnh và Thương mại ĐBSCL. Tại hội thảo, các diễn giả đã báo cáo các đề tài được các nhà vườn trồng hoa trong tỉnh quan tâm, như việc cải thiện các giống hoa hồng ở ĐBSCL, đặc biệt là ở làng hoa Sa Đéc có nhiều nhược điểm như mau tàn, lộ nhụy khi nở, màu sắc chưa đa dạng, hoa ít cánh,.. chuyển sang các giống nhập nội có nhiểu ưu điểm như màu hoa, cấu trúc đẹp, lâu tàn, cành to khỏe...; phương pháp nhân giống các loại hoa hồng, vạn thọ; cách xử lý ra hoa đúng mùa vụ và dinh dưỡng cho các loại mai, cúc, hồng....
Nhiều nội dung được các nhà vườn quan tâm đặt câu hỏi với các diễn giả, về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất thường gặp phải, như các loại bệnh trên cây mai vàng; thời điểm lặt chồi để cây vạn thọ ra hoa vào dịp tết; cánh xử lý những cây mai vàng ra hoa sớm, cúc mâm xôi ra hoa trễ..
Trước đó vào ngày 4-12, tại hội trường Khu du lịch Mỹ Trà, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội thảo chuyên đề về phát triển bền vững cây hoa lan. Tham dự hội thảo có hơn 200 nghệ nhân, nông dân trên địa bàn tỉnh và các sinh viên khoa Nông nghiệp trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp...
Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên báo cáo chuyên đề về lan
Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên báo cáo chuyên đề hoa lan tại hội thảo
Tại hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - PGĐ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp đã trình bày báo cáo về thị trường phong lan Đài Loan. Báo cáo nêu những điểm nổi bật của ngành công nghiệp hoa phong lan Đài Loan về quy trình sản xuất giống, các loại lan đặc trưng, tình hình tiêu thụ, xuất khẩu.
Nghệ nhân Trần Thế Châu – UV Hội Sinh vật cảnh TPHCM, đóng góp những ý kiến về việc phát triển hoa lan ở Đồng Tháp. Theo nghệ nhân Châu, Đồng Tháp và một số tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre...là một trong những nơi có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để trồng hoa, cây kiểng trong đó có phong lan, nên tiềm năng phát triển hoa lan còn rất lớn. Để hoa lan trở thành một trong những cây trồng chính trong cơ cấu nông nghiệp ở những vùng này, thời gian tới cần giải quyết các vấn đề: xây dựng những quy hoạch tổng thể và chi tiết; tìm những giải pháp kỹ thuật đồng bộ về giống, kỹ thuật canh tác, thị trường, đào tạo nhân lực, thực thi tốt những chính sách hỗ trợ ban đầu của nhà nước...
Hoa lan tại Lễ hội Sinh Vật Cảnh và Thương mại ĐBSCL
Hoa lan tại Lễ hội Sinh Vật Cảnh và Thương mại ĐBSCL 2010
Đây cũng là cơ hội thuận lợi để đại biểu tham dự có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia về lĩnh vực hoa phong lan. Dịp này, ông Phạm Anh Dũng - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi, TPHCM cũng đã trao đổi với đại biểu về kỹ thuật chăm sóc hoa phong lan, những giống lan thích hợp để phát triển ở khu vực ĐBSCL; thị trường tiêu thụ hoa lan...Hội thảo là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Sinh Vật Cảnh và Thương mại ĐBSCL 2010.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts