Cây cảnh Việt Nam - Dịp giáp tết hằng năm, trong khi các nhà vườn chuẩn bị rất nhiều hoa, cây kiểng để bán cho người dân chơi tết, thì đội quân hoa kiểng giả cũng... ăn theo, tạo ra muôn hình vạn trạng hoa kiểng giả để lừa thiên hạ. Không ít người thiếu kinh nghiệm hoặc ham rẻ, đã mắc bẫy những tay chuyên “độ” hoa kiểng mang đi bán dạo. Tết năm ngoái, anh bạn vong niên của tôi mời đến nhà chơi, uống một cuộc rượu, tạm gọi là “rửa” một cây sung kiểng anh mới mua, giá những 300.000 đồng! Mù tịt về hoa kiểng, nhưng tôi cũng cảm thấy cây sung ấy đẹp: thân cây cuồn cuộn, trái đan kín gốc, lá nõn lộc non phơi phới. Tửu nhập ngôn xuất. Anh bạn tôi thao thao bất tuyệt, cho là cây sung ấy có thế “hổ phục”, quá đúng bài để chưng tết năm Canh Dần 2010. Cuộc rượu tàn chưa được hai hôm, đã nghe anh bạn báo tin cây sung nhà anh là... cây kiểng giả, trái rụng tả tơi. Tôi tức tốc đến thì đúng như anh nói, cũng là gốc sung, trái sung, lá sung, thậm chí cả rễ cũng là sung thật, nhưng cây “hổ phục” này không có trái, người ta dùng trái của cây sung khác cấy vào, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Dù rất bực tức nhưng anh bạn tôi cũng ngậm bồ hòn, tự an ủi mình là còn may, cố cất công chăm bón đợi tết năm sau. Nếu gốc sung kia cũng không có rễ thì chỉ còn cách đem bỏ sọt rác.
Những người chơi hoa kiểng không chuyên như anh bạn tôi thì cũng dễ mắc bẫy với những tay “gian kiểng” chuyên hành nghề trong những ngày trước tết. “Gian kiểng” thường là người địa phương khác đến. Họ chở các loại hoa kiểng trên các xe máy, dạo quanh khắp phố cùng quê để rao bán. Mỗi gốc sung to cỡ cổ tay người lớn cũng được hét với giá 250.000 -300.000 đồng! Mai vàng, sanh, quật... có chậu được ra giá trên 500.000 đồng. Nhưng là do hoa kiểng giả nên người mua chỉ cần trả 50% hoặc giá thấp hơn thì cũng bán.
Anh Nguyễn Hùng Anh, nhà trên đường Phan Châu Trinh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Do thấy gốc sung đẹp, có nhiều trái tươi, giá bán chỉ có 70.000 đồng nên tôi mua về định chưng trong dịp tết Tân Mão này. Nhưng để vài hôm thì trái đã héo và rụng. Kiểm tra kỹ mới biết là do trái chỉ được cấy ghép vào thân và gốc sung”.
Ngoài sung, xương rồng, còn có các loại hoa kiểng như vạn thọ, cúc, sanh, cam quật, thậm chí cả mai vàng... cũng có thể làm giả. Trình độ ghép cành, ghép hoa, ghép quả của “gian kiểng” thật tinh vi, không phải dân trong nghề hoa kiểng thì khó nhận biết đâu là hoa kiểng thật, đâu là hoa kiểng giả. Thủ thuật của những người làm hoa kiểng giả “bán nóng” trong dịp tết là cấy thêm trái (các loại kiểng quả), ghép thêm cành (kiểng thế) và nhánh hoa (các loại hoa) vào thân chủ, cành chủ cùng loại.
Khế kiểng được xem là khó ghép trái nhất, vì chúng dễ bị rụng trái khi can thiệp hóa chất.
Cũng có thứ kiểng giả được ghép cùng loài nhưng khác họ nhau, nhiều nhất là ghép các loại xương rồng với xương rồng; ghép cam quật vào cây cần thân... Sau khi cắt tỉa, cấy ghép và dán bằng keo chuyên dụng, các “gian kiểng” còn dùng các loại thuốc bảo quản để phun tưới, giữ cho cành lá, hoa và quả luôn tươi, không bị héo úa. Vì thế mà cả những gốc mai ghép giả vẫn tươi và trổ hoa, ra lộc nõn suốt cả mùa tết rồi sau đó mới chết.
Ông Trần Văn Nam, một nghệ nhân hoa kiểng ở Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, khuyến cáo nếu muốn có chậu hoa kiểng để chưng tết thì nên tìm đến nhà vườn, chọn lựa những chậu hoa kiểng ưng ý, hợp với túi tiền để đặt hàng trước, chờ đến gần tết thì mang về chưng. Còn không thì nên đến lựa chọn mua hoa kiểng tại các hội hoa xuân được phép tổ chức. Cũng theo ông Nam, người chơi mai kiểng dịp tết nên chọn những cây mai có những chùm gồm 7 bông hoa, nếu chỉ có những chùm 3-4 bông là mai đã nở trước tết, nhà vườn “độ” lại đem ra bán. Mai “độ” không đẹp, theo quan niệm của một số người chơi hoa kiểng là mất “hên” dịp đầu xuân.
No comments:
Post a Comment