Cây cảnh bán rong thường có chất lượng không đảm bảo. |
Chị Quỳnh Anh ở Khâm Thiên, Đống Đa (Hà Nội) hứng khởi khi mua được cây sung ưng ý với giá khá “bèo”, chỉ 200.000 đồng. Thân to, lá xanh mướt khoẻ khoắn, quả sai, trổ quanh gốc lên tận ngọn. Nhưng chỉ vài ngày quả héo quắt, úa vàng rồi thối.
Sắp Tết, những người thồ cây cảnh bán rong “mọc lên như nấm” trên khắp phố, phường Hà Nội, vào từng ngõ hẻm để phục vụ “Thượng đế”. Không ít người đã làm cây cảnh rởm đem bán với giá thật. Có loại cây được bán với giá gần 1 triệu đồng, nhưng chỉ được vài ngày là chết.
Anh Mai Văn Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) kể rằng, vợ chồng anh mua được hai cây hải đường rất đẹp, được trồng trong chậu của người bán rong với giá 500.000 đồng. Vốn tính cẩn thận, anh đã kiểm tra rất kỹ trước khi mua. Nhưng 3 ngày sau, lá vẫn xanh nguyên còn hoa cứ thâm xì, rũ xuống. Sau một tuần, toàn bộ hoa héo quắt, bám chặt cành, lá rụng hết, xem kỹ mới biết người ta dùng keo gắn hoa và nụ cho cây.
Cũng cùng cảnh “chưa Tết đã hết vui”, anh Phạm Ngọc Linh ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cũng mua phải cây cảnh giả với giá khá đắt của người bán hàng rong trên phố. Anh mua cây lộc vừng với giá 1,5 triệu đồng, nhưng chỉ sau một tuần lá vàng rồi rụng hết, trơ lại thân khô. Lúc đầu anh nghĩ do mình không tưới nước nhiều nên bị héo, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện cây cảnh chỉ là một cành được cắt tỉa rồi cắm vào chậu.
Theo chị Bùi Thị Hà, chủ vườn cây cảnh ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, hoa, cây cảnh được làm giả hiện nay khá phổ biến mà giá của chúng cũng không phải rẻ: Bonsai dao động từ 300.000 đến 700.000 đồng, sung cảnh, hoa trà, lộc vừng... có giá trên dưới 500.000 đồng tuỳ theo kích cỡ. Vậy nhưng, những loại cây này chỉ sống chưa đầy một tháng là chết.
Cây cảnh chết sau khi mua về có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do khâu mua cây và chăm sóc. Nhiều người tưởng mua được cây cảnh rẻ lại đẹp của những người hàng rong, nhưng không xem kỹ nên rất dễ mua phải cây được “phục dựng”. Nếu mua được đồ xịn, nhưng không hiểu thuộc tính của cây, nên chăm sóc không đúng cách cũng dễ làm cây chết.
Chị Hà cho biết thêm, cây thường được phục dựng theo kiểu biến không quả thành có quả chi chít quanh gốc, nếu thân cây, cành ít thì họ gắn thêm cành, lá. Họ còn cắm loại hoa này trên thân cây khác, chẳng hạn hoa lan nhưng lại “ký gửi” trên thân cây đa bông. Hai cây này có dáng rất giống nhau nếu nhìn kỹ sẽ không khó nhận biết. Đối với loại cây có trái, chủ yếu họ gắn quả cho cây sung, cây khế cảnh...
Còn với các loại cây có sức sống khoẻ như bonsai, lộc vừng, si... chết “yểu” là do cây chiết non, bị đứt rễ gốc và do cành lá được cắt tỉa đôi chút rồi cho vào chậu đem bán.
Chính vì thế, chị Hà lưu ý người mua nên chú ý xem kỹ cuống lá, cuống hoa xem có bị gắn hay nối không, tránh mua cây bị đứt rễ và cây cành non mà có nhiều quả.
Tốt nhất, nhà bình dân nên mua loại cây cảnh dăm ba trăm ngàn vừa đẹp lại vừa khoẻ. Không nên mua cây cảnh của những người bán rong, mã đẹp nhờ người bán hàng dùng “mẹo” tạo nên. Nên mua cây cảnh ở những vườn hoa kiểng, cửa hàng cố định.
Ngoài ra, người trồng phải có những hiểu biết nhất định về điều kiện của từng cây để có cách chăm sóc phù hợp. Nên hỏi kỹ người bán cây để hiểu rõ đặc điểm của từng loại. Khi chọn cây phải coi trọng gốc cây, gốc có to khoẻ thì cây mới mạnh. Gốc phải to hơn thân. Khi mang về trồng, tuỳ từng loại cây mà trồng vào chậu cảnh thích hợp. Đặt chậu cảnh phải để đúng chỗ, nơi có nhiều ánh sáng tạo điều kiện cho cây hấp thụ.
No comments:
Post a Comment