Tuesday, 10 January 2012

Thú chơi cây cảnh - đẹp không gian đẹp tâm hồn

Chơi cây cảnh là nếp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Ngày nay, thú chơi cây cảnh đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt là người lớn tuổi. Các cụ thường nói: yêu cảnh, yêu hoa hóa ra yêu đời.

Cây cảnh là thú chơi tao nhã của người Hà thành

Thú chơi cây cảnh có nguồn gốc từ Nhật Bản. Nó có tên gọi là bonsai. Sau đó được du nhập vào Trung Quốc. Từ đó, các nhà truyền giáo (Nho giáo, Phật giáo...) qua thú chơi bonsai đã truyền bá triết lý của mình khắp châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nhìn chậu bonsai, ta sẽ thấy tập trung trọn vẹn hay một phần vũ trụ. Ngoài ra, nó còn thể hiệnmối giao hòa giữa thiên nhiên và con người.

Mỗi người có cách cảm nhận khác nhau và vì thế bồn cảnh cũng có kiểudáng khác nhau. Người lớn tuổi thích kiếu dáng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thể hiện thế cây: phúc - lộc - thọ, ngũ phúc, phu tử, mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu... Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây ngang hoặc trễ đổ xuống như dòng thác.

Chơi cây cảnh, các cụ ngày xưa chú ý 4 yếu tố: nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp. Chính vì vậy, ta thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 đoạn thân, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho "tam cương" (quân thần, phu tử, phu phụ), "ngũ thường" (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), "tam tòng" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và "tứ đức" (công, dung, ngôn, hạnh).
"Sành" chơi cây cảnh, các cụ lấy 10 cây hoa cảnh dáng thế (thập toàn) tạo thành 3 bộ chính làm cốt lõi cho nghệ thuật bonsai. Đó là tứ linh, tứ quý và tam đa.
Tứ linh gồm 4 loại cây: đa, sung, sanh, si ứng với tứ hình trong động vật: long, ly (lân), quy, phượng. Đây là cây gỗ lưu niên cùng họ, chịu được nắng mưa mà vẫn xanh tươi 4 mùa.
Bộ tứ quý gồm: tùng, trúc, cúc, mai ứng với tứ bình, hợp với tứ thời (xuân, hạ, thu, đông). Nó đồng thời thể hiện ước vọng hạnh phúc vĩnh cửu của con người.
Bộ tam đa gồm 3 loại cây: sung, lộc vừng, vạn thọ, ứng với phúc - lộc - thọ.
Thoạt nhìn, thú chơi cây cảnh tưởng như đơn giản. Hàng ngày chỉ cần tưới nước, cắt tỉa giữ cho cây luôn xanh tốt là được. Nhưng thực chất đây là cả quá trình tìm tòi đầy sáng tạo của người chơi.

Nghệ nhân cây cảnh nghệ thuật Lê Hữu Quyết chorằng, trong nghệ thuật cây cảnh, cái khó nhất là tạo dáng cho cây.
Nhờ bàn tay uốn tỉa, ghép tạo khéo léo của con người mà cây có những thế đẹp. Thân đứng thẳng ngạo nghễ, hùng dũng là thế trực. Ngả rạp ngang rồi mới xòe tán là thế hoành. 2 cây ghép đôi là song trụ. Lại uốn, nắn, g̣ò cho cây thành thế ngọa long (con rồng nằm), giao long (đôi rồng lượn), phượng vũ (chim phượng múa), bạt phong (gió cuốn)...
Bên cạnh những cây thế được tạo dáng, nhiều người chơi cây cảnh đã dựa trên thế có sẵn để sáng tạo ra thế mới lạ. Như 2 cây ghép thành 1 gốc hay kiểu 1 gốc phân ra nhiều thân cao thấp khác nhau, xoắn xuýt với nhau.
Ngày nay, nhiều người chơi cây tạo dáng theo kiểu cách tân và cho ra những cây cảnh có giá trị thẩm mỹ khá cao như cây được uốn theo thế "hạn phụ thạch" (cây ôm đá). Đây là kiểu cây có rễ xuyên qua kẽ đá bao trùm lên đá.
Hay như kiểu cây liền rễ (còn gọi là qua cầu), đây là cây có chùm rễ xù xì lộ ra nhưng không đứng riêng lẻ mà dính liền với nhau.
Thú chơi cây cảnh là cả một môn nghệ thuật đa chiều sống động, thú chơi tao nhã. Nó vừa mang lại vẻ đẹp cho không gian sống vừa mang lại vẻ đẹp cho tâm hồn mỗi con người.
(Theo Hanoi)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts